“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay”
Chính vì vậy, các hình thức tổ chức đám cưới trọn vẹn cũng khác nhau ở từng vùng, thể hiện đậm chất phong vị đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đó, mang màu sắc rất riêng. Có sáu nghi thức cơ bản trong một lễ cưới hỏi trọn vẹn của người Kinh, đó là: Kén chọn, dạm ngõ (chạm mặt), hỏi, cưới, lại mặt và nộp cheo. Ở mỗi vùng miền có những phong tục tập quán khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày, và cưới hỏi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người
1/ Kén chọn
Ngày xưa, trước khi lễ cưới hỏi bắt đầu, ông bà ta có tục kén chọn cho con cháu để tìm được đấng phu quân hay vị hôn thê phù hợp với con cái và gia đình mình.
Tiêu chuẩn kén chọn được phân loại rõ ràng chon nam và nữ. Chính vì thế, người xưa có câu “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Ngoài ra, tiêu chuẩn về tuổi tác cũng quan trọng không kém, việc dựng vợ gả chồng rất ngại kỵ tuổi hay xung khắc, người ta tin rằng điều này sẽ khiến cho cuộc sống vợ chồng khó khăn, không hạnh phúc, thuận hòa…, và việc xem tuổi trước khi cưới được đặt lên hàng đầu, kéo dài cho đến ngày nay
Chuyện cưới hỏi được quan niệm là chuyện hệ trọng cả đời người nên khâu kén chọn được thực hiện rất kỹ lưỡng, phần nào thể hiện rằng sự kỹ lưỡng của ông bà ta ngày xưa, coi trọng việc môn đăng hộ đối và phù hợp về tuổi tác, tiền đề cho sự lâu bền trong hạnh phúc gia đình.
2/ Dạm ngõ hay chạm mặt
Dạm ngõ là lần đầu tiên nhà trai đến nhà gái để xem mặt con dâu tương lai cho con trai mình, đây cũng là lần gặp mặt để hai nhà có thể biết và hiểu về nhau và đôi trẻ được tiếp xúc trực tiếp với nhau. Dạm ngõ với mục đích là để hai nhà làm quen với nhau và nhà trai đến để “đánh tiếng” với nhà gái về chuyện cưới hỏi của con cái họ.
Nếu như lần dạm ngõ được thuận lợi thì lễ ăn hỏi chính thức được bắt đầu.
3/ Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ bỏ trầu cau, được tổ chức khi hai bên nhà trai nhà gái thống nhất về môn đăng hộ đối và hợp nhãn con dâu, con rể tương lai. Nhà trai sẽ mang lễ vật trầu cau, chè thuốc, xôi gà đến nhà gái để bàn chuyện cưới xin cho con trẻ. Nhà gái sẽ được yêu cầu nhà trai các lễ vật cho lễ cưới, có thể là đôi khuyên tai vàng, vòng kiềng, mâm cỗ đãi khách, có khi là ruộng đất cho đôi trẻ sau khi cưới.
Trầu cau trong lễ hỏi được nhà gái đem chia cho họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng để thay cho thiệp mời thông báo con gái họ đã có người đến hỏi cưới.
4/ Lễ cưới
Sau khi nhà trai đã đáp ứng được các lễ vật mà nhà gái đã yêu cầu trong lễ dạm hỏi, cả hai nhà đều dựng rạp để chuẩn bị cho lễ cưới.
Ngày cưới, đoàn người rước dâu bên nhà trai chắc chắn phải có một người đàn ông có tuổi (45-50 tuổi) có tài ăn nói, có gia đình, kỵ người góa vợ để có thể đại diện đàn trai nói chuyện với nhà gái, ngoài ra cần có phù rể, khoảng 5 – 10 người, tuổi trẻ, chưa vợ để đi đón dâu. Nhà gái cũng có người đại diện là một người đàn bà có gia đình, mắn con, kỵ góa chồng và đoàn phù dâu đồng số lượng với nhà trai, tuổi trẻ, chưa chồng.
Sau khi lạy gia tiên nhà gái, người đại diện nhà trai sẽ chính thức thưa chuyện với nhà gái và tiến hành trao tráp, trưng các lễ vật mà nhà trai sang hỏi cưới dâu. Ngày đưa dâu về nhà trai, chú rể và cô dâu tiến hành nghi thức lạy bàn thờ gia tiên, buổi tối có lễ tế tơ hồng nguyệt lão, tiên thiên, gọi là lễ mệnh tiếu, cuối cùng là lễ hợp cẩn, nhằm mục đích là mong có nàng dâu thảo, sớm có con và vợ chồng sống đến bách niên giai lão.
5/ Lễ lại mặt
Là nghi thức xuất hiện sau đêm tân hôn, cặp vợ chồng mới cưới sẽ quay về nhà gái, tổ chức tiệc cưới, thể hiện sự hiếu thảo của cô dâu đối với cha mẹ ruột, mặt khác, cô ấy làm toại nguyện được chồng của mình.
6/ Lễ nộp cheo
Là một nghi thức phụ, nhưng không thể không có. Ở lễ này, vợ chồng mới cưới phải tổ chức tiệc cưới để khao làng xóm, như vậy mới được xem là thành viên của xóm làng. Ngoài ra, người chồng phải nộp các nguyên liệu như gạch, ngói để tu bổ hay góp phần xây dựng các công trình công cộng như đường, đình, miếu ở nơi vợ chồng ở.
Nguồn: internet